• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Bài chia sẻ về "Dung mạo Lòng Thương Xót" dành cho Sinh viên Công giáo Thánh Tâm

Vào ngày Chúa Nhật II Phục Sinh (03.4.2016), Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót, dịp này nhóm Sinh viên Công giáo Thánh Tâm sinh hoạt đầu tháng, cha Giuse Nguyễn Văn Chánh đã có bài nói chuyện với các sinh viên trong dịp này. Xin kính gởi đến Quý vị toàn văn bài chia sẻ:
Các bạn sinh viên thân mến,
- Lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi mong muốn biết bao: nơi nào Giáo Hội hiện diện, đặc biệt là các giáo xứ và cộng đoàn, nơi ấy sẽ thành những hải đảo Thương Xót giữa lòng đại dương vô cảm. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống. Một chút lòng thương xót cũng làm cho thế giới trở nên ấm áp và công bằng hơn. Lòng thương xót tốt đẹp biết bao. Lòng thương xót có sức biến đổi thế giới”
- Có hai từ chỉ đạo tạo nên buổi nói chuyện hôm nay: Lòng Thương Xót và Sự Vô Cảm. Câu chuyện trong Tin Mừng: Lc 10,29-37: Thầy tư tế và Lê-vi đi ngang qua, cả hai đều tránh qua bên kia mà đi, trong khi đó người Samari ngoại đạo lại chạnh lòng thương, dừng lại, băng bó vết thương và đưa về quán trọ săn sóc. Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu muốn truyền cho chúng ta bài học yêu thương, đồng cảm và quên mình để sống cho người khác.
I. Sự vô cảm:
- Vô cảm là dững dưng, lạnh lùng trước mọi hoàn cảnh của tha nhân. Có nhiều lý do để giải thích cho thái độ dững dưng vô cảm của con người:
+ sống cá nhân chủ nghĩa: mình là trung tâm: cho mình là tốt nhất, những gì mình làm là ưu việt, không bao giờ cho mình là sai trong mọi công việc, bị cám dỗ mỉa mai, nói xấu, ngồi lê đôi mách, phê bình, chỉ trích, nóng giận v.v...
+ cách sống duy vật: chỉ lo cho bản thân, ham làm giàu, ích kỷ, không màng đến người khác, không chia sẻ vật chất cho một ai, coi nhẹ những giá trị tinh thần, những giá trị Tin Mừng v.v...
+ thế tục hóa: đang thấm vào trong não trạng của con người hiện thời, chỉ thấy vật chất vượt hơn tinh thần, chỉ nghĩ đến cuộc sống hiện tại “Giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại, có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Lối sống đó sẽ đưa tới hư vong vì họ đã tôn thờ chúa tể của họ là cái bụng. Và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn” (Pl 3,18-19). Cái bụng có thể hiểu là tất cả những thú vui tội lỗi của trần gian.
II. Lòng Thương Xót:
Lòng thương xót, tiếng Pháp là: miséricorde, có gốc tiếng Latinh: misereri: thương cảm, và cor: trái tim. Như vậy, Lòng thương xót là con tim luôn thương cảm. Con tim thương cảm thường mang những đặc nét như: nhạy cảm với nỗi đau của người khác, sẵn sàng tha thứ, mong điều tốt cho người.
Lòng thương xót, trong tiếng Do Thái là “rahamim”, có nghĩa là lòng dạ rung cảm trước cảnh khổ. Như cha mẹ đứt ruột khi thấy con đau, Thiên Chúa động lòng khi thấy con người khổ đau, tội lỗi, nói như Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nói:“Khổ đau của con người là ngai vàng của lòng thương xót”.
Theo nghĩa thần học, lòng thương xót Chúa, chính là lòng nhân từ của Thiên Chúa luôn tha thứ tội lỗi và muốn phục hồi phẩm giá con người để họ lại trở nên hiện thân tình yêu của Người.
Như vậy, Thiên Chúa thương xót là Người lấy tình vượt lên lý mà xử sự. Ngài ứng xử bằng lý của con tim hơn là lý của trí khôn. Lý của trí khôn thường là cân đo đong đếm, lấy ân đền ân, lấy oán báo oán. Người lý sự thường lấy cơ chế, luật lệ, lẽ công bằng để chứng minh đúng sai, hơn thua. Còn lý của con tim là quên mình để mong cho người khác được hạnh phúc. Người thương xót ghét tội, nhưng thương kẻ có tội; muốn cứu vớt hơn loại trừ; muốn cảm thông hơn lên án.
Lòng thương xót của TC cúi xuống trên con người, ngược lại với những gì con người muốn đó là tiến lên. Trong Tin Mừng, chúng ta gặp lòng thương xót qua những dụ ngôn nói về lòng thương xót: Tìm con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất, người con hoang đàng, người đàn bà ngoại tình v.v...
III. Cái nhìn của các triết gia hiện sinh về con người:
- Jean Paul Sartre (1905-1980), nhà triết học hiện sinh vô thần: “Tha nhân là địa ngục”. Vì vậy thái độ của con người đối với nhau là: thù nghịch, không đón nhận, vô cảm, thiếu kính trọng v.v...
- Gabrel Marcel (1889-1973), nhà triết học hiện sinh kitô giáo, xây dwung triết học của mình trên tương quan TÔI và ANH, đây là tương quan hiện sinh, bình đẳng, tôn trọng và quý mến. Theo Marcel, tương quan hiện sinh nầy đòi hỏi sự hiện diện, vì hiện diện đưa đến hiệp thông, thái độ sẵn sàng đối với tha nhân. Như thế, kết quả sẽ là làm cho chủ thể tham gia đầy đủ, trọn vẹn với tha nhân. Dưới cái nhìn nầy, chúng ta cảm nhận những gì Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, đã làm cho chúng ta: Đức Giêsu mặc lấy xác phàm của con người, đồng hành cùng con người, chia sẽ với con người. Đức Giêsu Kitô là người nối kết Thiên Chúa với con người. Nối kết nói lên tương quan nhân bản Kitô giáo.
IV. Làm sao để sống lòng thương xót trong xã hội ngày nay?
Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng sống lòng thương xót thật sự là một cuộc luyện tập: lòng thương xót vừa là một đức tính nhân bản vừa là một nhân đức kitô giáo. Trên các trang mạng, chúng ta thấy có 56 cách sống nhân từ trong Năm Lòng Thương Xót.
Xin được đề nghị một vài cách sống giúp chúng ta luyện tập để có lòng thương xót không những trong năm nầy mà thôi, nhưng vẫn thực hành trong suốt đời kitô hữu của mỗi người:
1. Chống lại cám dỗ chế nhạo, mỉa mai người khác: Đây là thái độ tự nhiên của mỗi người, nhất là khi họ thành công hơn chúng ta trong cuộc sống. Nó đi ngược lại với lòng thương xót. “Ôi, lạy Thiên Chúa, hãy bảo vệ môi miệng con; hãy canh giữ miệng lưỡi con”(Tv 141,3). Trong gia đình, bớt một lời nói hằn học, một cái nhìn đay nghiến để sống lòng thương xót đối với những người thân.
16. Giữ gìn miêng lưỡi: đừng nói xấu tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với 60 vị Hồng y, 50 Giám mục, nhiều Linh mục, Phó tế và Giáo dân về 15 khuyết điểm của các vị, và trong khuyết điểm thứ 9: “đừng ngồi lê đôi mách” vì nó: giết danh dự, danh thơm tiếng tốt của người khác, hèn nhát (không dám nói thẳng), đánh giá thấp người khác. Câu chuyện của Thánh Philipphê Nêri (nhổ lông con gà từ chợ về). Vậy để trị nói xấu, ngồi lê đôi mách, chúng ta nên nhớ kênh truyền hình của Mỹ CNN: C: cắt nghĩa tốt; N: nghĩ tốt cho họ; N: nói tốt về họ. Vì vậy, ở số 12: “dành thì giờ để cầu nguyện và suy ngẫm về tính tốt của người mình định nói xấu”.
29. Lên một danh sách những người mà chúng ta không thích. Và mỗi ngày cầu cho họ một kinh. Hãy nghĩ đến các tính tốt của họ. Baden Powell (1857-1941), vị sáng lập Hướng Đạo đã nói: “nơi mỗi người, dù có đến 95% tính xấu đi nữa, thì chúng ta cũng thấy được 5% tốt nơi họ”.
44. Nếu thấy câu chuyện đang chuyển hướng sang thành nói hành nói xấu người nào, hãy tìm cách thay đổi đề tài. Thay đổi trong suy nghĩ, lời nói, để khi nghe chuyện xấu của ai đó, hãy thay vào đó những lời cầu nguyện cho người anh em.
Gương của Đức Thánh Cha Phanxicô: văn hóa của sự gặp gỡ: đồng cảm, lắng nghe, chia sẻ. Đức Thánh Cha thích gặp gỡ: “ngày 7/6/2013 khi gặp các chủng sinh tại Roma, ngài đã nói: ‘Khi Cha vào đây, Cha đã nhìn qua những điều Cha đã viết. Cha muốn nói với chúng con một từ, và từ đó là Niềm Vui. Bất cứ nơi nào có những người tận hiến, những người trẻ, nơi đó có niềm vui, nơi đó luôn có niềm vui. Đó là niềm vui của sự tươi trẻ, đó là niềm vui khi đi theo Đức Giêsu. Niềm vui đích thực không đến từ sự vật, nhưng sinh ra từ việc gặp gỡ, từ mối liên hệ với người khác. Niềm vui đến từ cảm giác được chấp nhận, được thấu hiểu, được yêu thương và từ sự chấp nhận, sự thấu hiểu và tình yêu nầy, và không phải bởi  vì sự hứng thú trong một lúc, nhưng vì thứ khác, thứ khác ở đây là một người. Niềm vui sinh ra từ sự nhưng không của một cuộc gặp gỡ! Và từ việc lắng nghe lời này: Bạn thật quan trọng đối với tôi, không nhất thiết phải được diễn tả bằng lời. Điều đó thật tuyệt vời... Và quả thế, chính đây là điều Thiên Chúa làm cho chúng ta hiểu”. Điều quan trọng là: phải biết người, lắng nghe, mở rộng tầm hiểu biết và mến yêu.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Chánh

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan

-->