• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Tản mạn xung quanh chuyện xây nhà thờ

Phải công nhận rằng, gần đây có rất nhiều nhà thờ Công giáo được xây dựng mới to đẹp như nhà thờ chính tòa Cửa Nam (Lạng Sơn), Thái Bình, Phú Cường và hay nhất là một số nhà thờ vẫn giữ được nét kién trúc văn hóa độc đáo của dân tộc, đẹp như tranh vẽ (ảnh trên). Trên toàn quốc theo thống kê có hơn 6.200 nhà thờ Công giáo rồi nhưng nhu cầu xây dựng nhà thờ vẫn còn rất lớn. Lý do thì có nhiều. Phổ biến nhất vẫn là giáo dân bây giờ đông, nhà thờ nhỏ bé không đủ chỗ mà mưa gió thì không thể đứng ngoài trời xem lễ được. Rồi nhà thờ cũ đã xuống cấp, xây quá lâu rồi, nay muốn nhà thờ to đẹp, hiện đại hơn…Toàn lý do chính đáng cả. Chẳng ai cưỡng lại được những lý do cấp bách ấy.
Cách đây hơn chục năm, tại Bãi Dâu, nhân cùng các phóng viên VTV1 đến đưa tin về kỳ họp của các Giám mục, tôi có hỏi Đức cha P. Nguyễn Văn Hòa, lúc đó đang là Chủ tịch HĐGMVN rằng, cái khó nhất của việc xây nhà thờ hiện nay là gì? Ngài trả lời: Khó nhất là không có tiền để xây chứ thủ tục, phép tắc cũng không có gì là ngại cả. Vâng, cái khó nhất là kinh phí. Một số người cứ nghĩ rằng Vatican cho tiền để xây. Xin thưa, ngân sách Tòa thánh còn thâm hụt hàng năm thì lấy đâu ra tiền mà cho. Hồi những năm 80-90 đi vào Nam hay qua nước ngoài xin đồng hương còn dễ. Ví dụ nhà thờ Thanh Đức (Đà Nẵng), kinh phí xây dựng hơn 2,6 tỷ đồng, giáo dân trong vùng chỉ quyên góp được hơn 400 triệu, còn lại là bà con Việt kiều ủng hộ. Nhưng bây giờ đi xin khó lắm. Tôi đã từng chứng kiến một ban hành giáo của một giáo xứ miền Bắc đi vào Nam xin quyên cúng xây nhà thờ. Ba năm trời xin được 100 triệu nhưng chi phí ăn ở, đi lại, ngoại giao cho đoàn 5 người này hết gần 80 triệu. 
Hồi Đức cha F.x Nguyễn Văn Sang xây nhà thờ chính tòa Thái Bình. Ngài kể rằng, qua Hoa Kỳ kêu gọi rồi ngửa mũ Giám mục đứng ở giữa nhà thờ nhưng chẳng ai cho xu nào. Họ nói, bên này chúng con dùng thẻ, không có tiền mặt. Hơn nữa, nếu Đức cha có dự án thì phải thông báo trước nhưng chúng con chỉ ủng hộ cho các dự án nhân đạo chứ không ủng hộ việc xây nhà thờ. Tại sao thế? Vì bên Mỹ cũng như châu Âu, tháng nào chẳng có chuyện rao bán nhà thờ bởi dân đi lễ ít lắm nên không có tiền tu sửa, bảo trì bị cảnh sát lập biên bản bắt đóng cửa và phạt tiền rất nặng nên thà bán đi còn hơn bị phạt mà “mua áo bán giẻ” thì xây làm gì? Chuyện bên Âu- Mỹ, đi đạo nào phải đóng thuế cho đạo ấy thì có lâu rồi mà thuế cũng cao lắm từ 4-6% thu nhập (riêng Tin Lành là 10% ). Nhưng lương giáo sư, ca sĩ, vận động viên của họ rất cao tới mấy trăm ngàn đô la nên nộp 4-6% cũng xót của lắm thành ra năm 2011, ở Đức có 126.488 giáo dân xin ra khỏi đạo Công giáo. Năm 2012 có 181.000 nộp đơn xin ra. Lý do chính là để khỏi phải nộp thuế cho nhà thờ thôi. Một lý do giáo dân ít đến nhà thờ còn là họ bị cuốn hút vào các mùa du lịch, lễ hội, thu hoạch. Kỳ nghỉ hè, linh mục muốn dâng lễ cho giáo dân xin mời ra bãi biển. Lúc mùa màng, xin mời cha ra cánh đồng.

Mẹ Teresa Cancutta - người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1979 sắp được phong thánh trong năm 2016 này đã mấy lần qua Việt Nam và tôi có may mắn 3 lần được diện kiến Mẹ với tư cách là phóng viên báo. Năm 1994, Mẹ bảo tôi, Mẹ vừa mua 3 ngôi nhà thờ ở Hoa Kỳ với giá 3 đô la. Tại sao lại có giá như cho không vậy? Mẹ bảo: Lẽ ra người ta biếu không, nhưng luật pháp Mỹ không được thế nên phải ghi giá mua tượng trưng 1 đô la 1 nhà thờ. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến chuyện một nhà thờ ở B.N chưa lâu. Khi xây, cha xứ hy vọng xây xong giáo dân sẽ quyên cúng nhiều nên cha đã vay vàng để xây dựng. Ai ngờ, khánh thành tiền mừng chẳng đáng là bao còn vàng thì lên giá gấp 10 lần khi vay nên không thể trả nổi. Vậy là hiệu vàng kiện linh mục ra tòa án. Tòa xử : thanh lý nhà thờ lấy tiền trả hiệu vàng. Nhưng bán nhà thờ ở Việt Nam ai mua vì mua không biết sử dụng vào việc gì? Vậy là phải dừng lại tìm người bảo lãnh, trả dần.

Chuyện ở giáo xứ G.L ở Bùi Chu ồn ào mấy năm trước. Cha xứ muốn dỡ nhà thờ cũ đi để làm nhà thờ mới to đẹp hơn với lý do nhà thờ đã hơn 100 tuổi rồi nguy cơ sụp đổ nguy hiểm đến tính mạng giáo dân. Vì vậy, cha cho đóng cửa nhà thờ và làm nhà bạt tạm để dâng lễ. Giáo dân không chịu vì tiếc nhà thờ cổ kính. Họ đi mời các chuyên gia xây dựng, kiến trúc về thẩm định. Kết quả cho biết nhà thờ vẫn kiên cố lắm. Vậy là giáo dân làm đơn xin trả cha cho Tòa Giám mục. Tòa Giám mục phải đổi cha mới về. Bây giờ ngôi nhà thờ may mắn vẫn tồn tại (ảnh dưới). Tâm lý thích xây nhà thờ hoành tráng không chỉ ở một số giáo sĩ mà cả ở giáo dân nữa. Tôi gặp một cha ở giáo phận miền Tây Nguyên. Cha bảo, có họ đạo có 70 gia đình di cư, họ cứ đòi xây nhà thờ to dự trù lên tới hơn chục tỷ đồng. Cha can ngăn vì dân ít chịu sao nổi. Họ bảo, chúng con xây để con cháu 100 năm nữa cũng vẫn đủ chỗ. Tôi hỏi: có phải dân di cư gốc Bùi Chu không cha? Cha bảo, đúng thế. Người ta không lo xây đền thờ Chúa trong lòng mà thích phô trương ở ngoài hơn. Hình như họ không biết đến sự đóng góp quá mức của giáo dân hiện nay ngoài các khỏan cho xã hội lại thêm hàng ngày hết tốp này đến tốp khác trình giấy giới thiệu của cha nọ, xứ kia để xin xây nhà thờ và có người cũng đã xin ra khỏi đạo để đỡ bị làm phiền quyên góp.

Tôi vẫn ủng hộ xây nhà thờ nhưng tập trung xây cho cái nào ra cái ấy. Đẹp và dân tộc như nhà thờ Phát Diệm, Sài Gòn, Thái Bình… để ngoài chức năng tôn giáo nó còn thành nơi thăm quan du lịch tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người và cho du khách nước ngoài biết thêm về văn hóa Việt Nam.
Còn giải pháp nào cho việc đông giáo dân? Có ai làm nhà mà đủ chỗ khi nhà có đại sự tang, cưới? Phải dựng rạp và thuê hội trường thôi. Nhà thờ cũng vậy. Chỉ khi lễ lớn thì mới đông chứ ngày thường đâu có đông. Bây giờ di dân nên nhiều nhà thờ ở thành phố quá tải. Nhà thờ Thái Hà (Hà Nội) đăng ký nhân danh chỉ có 2 ngàn nhưng sinh hoạt tôn giáo bây giờ chừng 20-30 ngàn. Nhà thờ nào mà chứa được con số đó? Nhà thờ cũng không xây to thêm, vẫn đơn sơ như xưa nhưng tổ chức nhiều lễ nhất là chủ nhật. Chiều thứ bảy có 3 lễ thay chủ nhật và chủ nhật là 6 lễ không kể lễ cho các cộng đoàn riêng như Tông đoàn Gioan Phaolo 2, Sinh viên, xa quê, nhóm tiếng Anh…Nếu mỗi nhà thờ có 1 cha làm 1 lễ thứ bảy và 3 lễ chủ nhật thì chắc chắn người đến dự lễ cũng không đông nữa.

Tương lai, giáo hội sẽ gia tăng những cộng đoàn riêng như thời các cộng đoàn nguyên thủy. Người ta nhóm với nhau như giáo chức, thày thuốc, lái xe taxi, bán hàng rong…và cả những anh chị đầu xanh, đầu đỏ nữa. Chủ nhật họ tập trung với nhau chia sẻ kinh nghiệm đời sống, đức tin và mời một cha làm linh hướng đến dâng lễ cho họ. Đâu có cần nhà thờ to mà có thể bất cứ ngôi nhà nào. Ở Tây Nguyên, một cha cho tôi biết, chủ nhật cha kê cái bàn, đốt đống lửa, giáo dân quây quanh và cha dâng lễ . Giáo dân lại rất sốt sắng tham dự.
Tôi đi nói chuyện ở một số địa phương, cũng có người đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây nhà thờ vì tại sao Nhà nước lại hỗ trợ chùa A, chùa B cả chục tỷ đồng mà không hỗ trợ cho Công giáo? Nhà nước đâu có hỗ trợ kinh phí cho các tôn giáo xây cơ sở thờ tự. Các chùa đó là công trình văn hóa cấp quốc gia cả. Việc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) hỗ trợ 400 triệu để sửa 2 nhà thờ Tân Lạc, Trung Trí hay gần 1 tỷ huyện Đông Anh (Hà Nội) hỗ trợ xây nhà giáo lý họ Mai Lâm là rất hiếm. Bởi vậy, việc xây nhà thờ vẫn phải “tùy cơm gắp mắm” thôi.


Hà Nội, 01/ 2016
TS. Phạm Huy Thông

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan

-->