• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Bài Giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giê-su

     Đức Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong một bữa ăn. Từ bánh và rượu, Người đã làm cho trở nên Mình và Máu Người. Tác Giả Tin Mừng thứ IV đã nói lên tâm tình của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly: “Ngài đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Các Tin Mừng nhất lãm diễn tả chi tiết cử chỉ của Đức Giêsu: Người cầm lấy bánh, tạ ơn, trao cho các môn đệ mà phán.... Người cầm chén rượu, trao cho các ông...”. Bánh và rượu là hai yếu tố căn bản trong bữa ăn của người Do Thái, như cơm và canh đối với một bữa ăn của người Việt Nam chúng ta vậy.

Đức Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong một bữa ăn. Người còn truyền cho các tông đồ: “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22,19). Vâng lệnh truyền ấy, ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã hội họp nhau để cử hành lễ nghi bẻ bánh, cũng gọi làbữa ăn của Chúa, trong khuôn khổ và hình thức một bữa ăn. Và hôm nay, khi chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể, hay là Thánh Lễ, là chúng ta cử hành hay tham dự một bữa ăn, một bàn tiệc.

Quan niệm của người Việt Nam chúng ta về bữa ăn thật phong phú và kỳ diệu. Người Việt chúng ta vui cũng ăn  mà buồn cũng ăn. Đám cưới cũng ăn mà đám tang cũng ăn. An khi tiễn người đi xa; ăn khi đón người trở về. An khi thi đỗ đại học, ăn khi đậu bằng cấp. An khi khởi công xây nhà; ăn khi khánh thành công trình đã xây cất. An trong ngày đám tang; ăn trong ngày giỗ chạp. Mỗi bữa ăn đều chuyển tải một sứ điệp, một tâm tình, nhất là tình liên đới.
Bữa ăn gia đình là dịp để mọi thành viên gặp gỡ nhau.  Còn hình ảnh nào đẹp hơn là hình ảnh của bữa cơm gia đình có mặt người cha người mẹ và những đữa bé bi bô kể chuyện ở trường, trong khi người vợ gắp thức ăn cho người chồng với sự thân thương trìu mến? Ngày nay, nhiều người làm công sở, ít còn thời gian gặp nhau nên bữa ăn gia đình cũng bị coi nhẹ. Và, kinh nghiệm thực tế cho thấy, một gia đình có nguy cơ rạn nứt hoặc tình cảm vợ chồng phai nhạt khởi đi từ hiện tượng người vợ hay người chồng ít về ăn cơm chung cùng gia đình. Vắng mặt thường xuyên tại bữa cơm vì lý do bận họp, lý do công việc , đó là dấu hiệu không tốt lành cho tình nghĩa vợ chồng. Điều đó có nghĩa là bữa ăn đã mất đi niềm vui gặp gỡ.
Những gì được đề cập đến trên đây cũng được thể hiện rõ qua Bí Tích Thánh Thể.
Bí Tích Thánh Thể chính là một buổi gặp gỡ. Chúng ta được gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Chúng ta được lắng nghe Lời Người trong phần Phụng Vụ Lời Chúa và nhất là chúng ta được rước Mình Người qua nghi thức rước lễ. Gặp gỡ Đức Giêsu, chúng ta cũng được gặp gỡ nhau nữa. Mỗi người bận rộn bươn chải trong cuộc sống, ngày Chúa nhật chúng ta đến nhà thờ, gặp gỡ nhau, tay bắt mặt mừng, chia sẻ tâm sự về đời sống nghề nghiệp, đời sống gia đình. Cuộc gặp gỡ này làm cho chúng ta bớt cô đơn và thêm nghị lực trong cuộc sống đời thường. Bí Tích Thánh Thể, hay là Thánh Lễ là một không gian huynh đệ. Mọi người đến nhà thờ, không phân biệt già trẻ, nam nữ, giàu nghèo, đều có quyền có một chỗ ngồi để tham dự Thánh Lễ.
Bí Tích Thánh Thể giúp đời sống thiêng liêng của chúng ta được lớn lên. Mình Thánh Chúa mà chúng ta lãnh nhận sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta trở thành con người hoàn hảo. Tuy còn sống ở trần gian, nhờ Thánh Thể, chúng ta đã được thần hóa. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn đón nhận Mình Thánh Chúa một cách xứng đáng, bạn sẽ được trở nên chính thực tại mà bạn đang đón nhận... nhờ việc lãnh nhận Thánh Thể, chúng ta không chỉ trở nên các Kitô hữu, mà còn trở nên chính Chúa Kitô” (được trích dẫn trong Tông huấn Sacramentum Caritatis của Đức Bê-nê-đi-tô XVI, số 36). Thánh Thể là bảo chứng cho chúng ta sẽ được diện kiến Chúa trong hạnh phúc vĩnh cửu, vì ngay ở đời này chúng ta đã được nếm trước vinh quang đời sau.
Đặc biệt hơn cả, Thánh Thể là một bữa ăn tưởng niệm. Trong nét văn hóa ẩm thực Việt Nam, có những bữa ăn quy tụ mọi thành viên gia đình trong ngày giỗ chạp. Đây là dịp để hướng về tổ tiên, ông bà cha mẹ, để ôn lại những kỷ niệm đã qua, để những thế hệ mới lớn nhận diện họ hàng. Trong Tiệc Thánh Thể, chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn hồng phúc của Đức Giêsu: “Khi kính nhớ cuộc khổ nạn, sự sống lại vinh hiển... chúng con dâng lên Chúa Bánh hằng sống và Chén cứu độ này để tạ ơn Chúa” (Kinh nguyện Tạ ơn). Thánh Lễ chính là sự nối dài hy tế Thập giá để tôn vinh Chúa Cha và xin ơn cứu độ cho nhân loại. Khi cử hành Thánh Thể là chúng ta “loan truyền Chúa đã chịu chết, tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Tưởng niệm một biến cố đã qua (sự chết của Đức Giêsu), chúng ta tuyên xưng Người đang hiện diện, và chúng ta đang chờ đợi để được gặp gỡ Người khi Người đến trong vinh quang.
Cùng với việc tưởng niệm Hy tế Thập giá, chúng ta tưởng niệm và cầu nguyện cho những người đã khuất. Vì không hiểu giáo lý Công giáo, có nhiều người bên lương không muốn cho con trai họ theo Công giáo, vì nghĩ rằng những người theo Công giáo sẽ không cúng giỗ cha mẹ và như thế là họ quên tổ tiên. Trái lại, chúng ta tưởng nhớ các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ trong mỗi Thánh Lễ. Thánh Lễ thực sự đãlà điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người, giữa người sống và người đã khuất, giữa những người ở xa và ở gần, trong tình hiệp thông sâu xa, tình hiệp thông của đức tin và đức mến.
Như vậy, mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy chuẩn bị tâm tình xứng hợp để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể nâng đỡ đức tin của chúng ta để mỗi người chúng ta trở thành “con người Thánh Thể”, nghĩa là những người cố gắng mỗi ngày để nên giống Đức Giêsu, Đấng đã tự hiến vì yêu thương chúng ta.  
                                               +Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan

-->