• Chia sẻ qua Zalo
  • Chia sẻ FB
  • Góp ý & Báo lỗi
  • Bình luận0

Ngày thứ ba chuyến tông du Cuba của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI




Quảng trường Cách Mạng nơi diễn ra Thánh lễ do ĐTC chủ sự sáng 28.3
WHĐ (29.03.2012) – Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong sáu ngày tại Mexico và Cuba đã bước sang ngày thứ sáu, ngày cuối cùng, 28-03, với hai sự kiện chính: Thánh lễ đồng tế tại quảng trường Cách mạng (Plaza de la Revolución) lúc 9g sáng và Lễ tiễn ĐTC trở về Rôma tại sân bay quốc tế José Martí tại thủ đô La Habana (Cuba).
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dâng Thánh lễ đồng tế tại quảng trường Cách mạng: “Đừng rửa tay như Philatô”


Đúng 9g sáng (giờ địa phương), tại quảng trường Cách mạng (Plaza de la Revolución) ở trung tâm thủ đô La Habana (Cuba), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bắt đầu dâng Thánh lễ đồng tế với các giám mục và hàng trăm linh mục Cuba. Tham dự Thánh lễ có hơn 700.000 tín hữu. Ngoài ra còn có sự hiện diện của ông Raul Castro, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba và nhiều quan chức chính phủ.
Mở đầu bài giảng trong Thánh lễ, ĐTC đã dùng bài Thánh ca của ba thanh niên trong lò lửa, trích sách Đaniel, để mời gọi các tín hữu: “Dâng lên Chúa lời tin tưởng và vui mừng, trong cuộc tìm kiếm tình yêu và sự thật để vững vàng bước đi trong cuộc lữ hành đức Tin”.
ĐTC giảng giải ý nghĩa sự kiện được trần thuật trong sách tiên tri Đaniel (Bài đọc I) về việc ba thanh niên bị vua Babylon bách hại, để nhắn nhủ các tín hữu Cuba:
“Quả thật, Thiên Chúa không hề bỏ rơi con cái mình. Chẳng bao giờ Ngài quên họ. Chúa ngự trên chúng ta và Ngài có thể dùng quyền năng mà cứu thoát chúng ta. Chúa ở kề bên dân mình, và qua Đức Giêsu Kitô, Ngài ở giữa chúng ta”.
Hướng dẫn cộng đoàn phụng vụ suy ngẫm bài Phúc âm, ĐTC nhấn mạnh ý nghĩa câu Tin Mừng Ga 8, 31-32: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông”:
“Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mặc khải Người chính là Con của Thiên Chúa Cha, là Đấng Cứu thế, chỉ một mình Chúa mới có thể chỉ cho chúng ta biết sự thật và tự do đích thực. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu khiến một số người nghe phản ứng và lo lắng. Người cáo buộc họ đang tìm cách giết mình. Người có ý nói về việc hy sinh trên Thập giá sắp diễn ra. Dù vậy, Chúa vẫn khích lệ họ hãy tin, hãy ghi nhớ lời của Người, để biết rằng sự thật sẽ giải thoát và mang lại phẩm giá đích thực.
Sự thật là điều con người hằng khao khát. Việc tìm kiếm sự thật luôn đòi phải sống tự do đích thực. Tuy nhiên nhiều người lại muốn đi tắt, tránh né yêu cầu này. Thật trớ trêu có một số người lại giống như Philatô, dù biết được sự thật, lại hỏi làm thế nào biết được sự thật là gì (x. Ga 18, 38), cho rằng con người không thể đạt đến sự thật, hoặc chối bỏ có một sự thật chung cho mọi người. Một thái độ như vậy, như trong trường hợp của chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa tương đối, đã khiến lòng người thay đổi, trở nên lạnh lùng, dao động, xa cách tha nhân và khép kín. Họ rửa tay giống như tổng trấn Philatô và để dòng nước lịch sử chảy trôi đi mất”.
ĐTC nhắc nhở Giáo Hội tại Cuba về sứ mạng làm chứng cho Đức Kitô, sự thật và niềm hy vọng của mọi người, cũng như lưu ý nhà cầm quyền tại Cuba về quyền tự do tôn giáo:
“Giáo Hội sống chia sẻ cho mọi người điều duy nhất mình có là Đức Kitô, niềm hy vọng vinh quang của chúng ta (x. Cl 1, 27). Để thực hiện nhiệm vụ này, Giáo Hội phải được quyền tự do căn bản là tự do tôn giáo, bao gồm việc loan báo và cử hành niềm tin của mình một cách công khai, truyền đến mọi người sứ điệp tình yêu, hòa giải và hòa bình đã được Chúa Giêsu mang đến cho thế giới. Cần vui mừng nhìn nhận, tại Cuba, đã có những bước đi để Giáo Hội thực thi sứ vụ của mình một cách công khai và thẳng thắn. Tuy nhiên, vấn đề này còn phải được tiếp tục thêm nữa và tôi sẽ thúc đẩy nhà cầm quyền củng cố những gì đã làm được và tăng cường hơn nữa việc phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội Cuba”.
ĐTC nhấn mạnh về quyền tự do tôn giáo đối với những hoạt động thuộc sứ vụ của Giáo Hội:
“Khi đề cao quyền này của con người, Giáo Hội không nhằm đến những đặc quyền riêng cho mình, mà chỉ ước muốn được trung thành tuân giữ lệnh truyền của Đấng sáng lập Hội Thánh, với ý thức rõ rệt: nơi nào có Đức Kitô hiện diện, nơi đó con người được trở nên người hơn và được nhất quán với chính mình”.
Cuối bài giàng, ĐTC nhắc đến một linh mục nổi tiếng trong lịch sử Cuba: Tôi tớ Chúa Felix Varela (1788-1853). ĐTC nêu cao tấm gương của ngài:
“Cha Varela để lại cho chúng con đường dẫn đến cuộc cải cách xã hội thật sự. Đó là xây dựng những con người, nam và nữ, sống đạo đức để rèn nên một dân tộc tự do và xứng đáng. Bởi, cuộc cải cách này tùy thuộc vào đời sống tinh thần của con người, đến mức ‘Không thể có một tổ quốc đích thực nếu không có đạo đức’ (Felix Varela, Thư gửi Elpidio, Thư số 6, Madrid 1836, 220)”.
Với bài giảng trong Thánh lễ sáng 28-03 tại La Habana, những nội dung chính trong sứ điệp gửi đến cho Mexico, Cuba và toàn vùng châu Mỹ latinh và Caribê đã được gửi đi.
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp kiến ông Fidel Castro
Sau Thánh lễ, trở về tòa Sứ thần Tòa Thánh tại La Habana, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến ông Fidel Castro.
Cuộc tiếp kiến diễn ra trong vòng 30 phút.
Ông Fidel Castro đưa vợ -bà Dalia- và hai con trai đến yết kiến ĐTC. Ông nắm quyền lãnh đạo Cuba trong thời gian 47 năm, từ 1959 đến 2006. Vị chủ tịch đương nhiệm, ông Raul Castro, chính là em trai ông.
Đây là lần thứ hai ông Fidel Castro được yết kiến một vị giáo hoàng ngay tại đất nước mình. Lần đầu ông được gặp Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhân chuyến tông du Cuba của ngài vào năm 1998, và lần này là ĐGH đương kim.
Cha Lombardi cho biết, ĐTC và ông Fidel đã thảo luận về các vấn đề thế giới và nhân đạo cả hai vị cùng quan tâm. Trong dịp này, ông Fidel bày tỏ mong ước sớm thấy ngày hai vị chân phước Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa Calcutta được Giáo Hội tôn phong hiển thánh. Ông nêu nhận xét hai vị chân phước là những gương mặt ưu tú nhất của thế giới trong thế kỷ XX.


Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chào từ biệt Cuba, kết thúc chuyến tông du thứ 23: “Hãy kiên nhẫn và chân thành trong đối thoại”
Lúc 15g (giờ địa phương), tại sân bay quốc tế José Martí, thủ đô La Habana (Cuba), đã diễn ra lễ tiễn ĐTC sau ba ngày ngài thăm viếng Cuba, gửi lại đất nước này hình ảnh của một người hành hương mộ mến Mẹ Thiên Chúa, Vị bảo trợ của đất nước và Giáo Hội tại Cuba, cũng như thông điệp về niềm hy vọng vào tương lai, trên nền tảng phát triển những giá trị bất diệt của con người.
Trước khi rời Cuba, ĐTC đã ngỏ lời cảm ơn chính phủ và người dân Cuba, toàn thể Giáo Hội tại Cuba đã dành cho ngài sự tiếp đón với tinh thần “hợp tác quảng đại”.
ĐTC nói lên nguyện ước của ngài hướng về tương lai đất nước Cuba: “Bây giờ cuộc hành hương của tôi đã kết thúc, nhưng tôi sẽ tiếp tục đem hết nhiệt tâm cầu nguyện để các bạn đi tới phía trước và Cuba sẽ là ngôi nhà đón mọi người và là nhà của mọi người dân Cuba, nơi công lý và tự do cùng tồn tại trong bầu khí của tình huynh đệ trong sáng.
Trước lúc chia tay, ĐTC một lần nữa đề cập đến hiện tình Cuba và đề nghị con đường giải quyết: “Hiện còn những khác biệt và khó khăn nhưng sẽ được giải quyết bằng cách tìm kiếm không mệt mỏi những gì liên kết tất cả mọi người, với sự đối thoại kiên nhẫn và chân thành, biết sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận những mục tiêu khơi lên niềm hy vọng mới”.
ĐTC hướng về Đấng Bổn mạng của Cuba –Đức Mẹ Bác ái Cobre– với lời cầu nguyện cho Cuba: “Xin Đức Mẹ Bác ái Cobre che chở mọi người Cuba trong tà áo của Mẹ, giữ gìn họ trước mọi nguy nan thử thách và cho họ nhận được ân sủng của Thiên Chúa Tối cao như họ thiết tha mong đợi”.
ĐTC chào từ biệt Cuba: “Hasta siempre –Xin tạm biệt– Cuba, vùng đất được sự hiện diện lòng từ mẫu của Đức Maria làm cho nên xinh đẹp. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tương lai của các bạn”.
Trong lời chào chia tay ĐTC, ông Raul Castro phát biểu: “Chúng ta đã tìm được nhiều điểm tương đồng sâu xa, và tất nhiên, chúng ta không phải đã cùng chia sẻ quan điểm như nhau về nhiều vấn đề” và nhấn mạnh lòng biết ơn ĐTC đã viếng thăm và dành cho người dân Cuba tình cảm thắm thiết”.
Ông kết thúc bài phát biểu: “Nhân danh Cuba và cá nhân tôi, xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và sự trân trọng đối với Ngài”.
Sau đó ĐTC vẫy chào mọi người và đáp máy bay trở về Rôma.
Theo dự kiến, ĐTC sẽ về đến sân bay Ciampino lúc 10g15 (giờ Rôma) sáng thứ Năm 29-03.

Bạn được tự do bày tỏ quan điểm nhưng nghiêm cấm spam

Tin liên quan

-->